Lượt xem: 3554
Chỉ thị về triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Ngày 13/8/2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Nội dung Chỉ thị như sau:
         Năm học 2018-2019 vừa qua là năm học đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Sóc Trăng đã đạt được một số kết quả tích cực như: Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên; tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn tăng dần; công tác đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, xây dựng trường chuẩn quốc gia tiếp tục được thực hiện có hiệu quả; công tác sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp được thực hiện khá tốt, đáp ứng được nhu cầu của ngành giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Sóc Trăng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, tạo nên thách thức không nhỏ trong năm học 2019 - 2020 sắp tới.

Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm học 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

 a)    Tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 29- NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 18/8/2015 của UBND tỉnh Sóc Trăng về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Đề án số 04/ĐA-UBND ngày 30/9/2016 của ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 494/QĐ-UBND ngày 28/02/2019 của của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm học 2020 - 2021 và định hướng đến năm 2030.

b)    Phổ biến và chỉ đạo toàn ngành thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp cơ bản của ngành giáo dục và đào tạo trong năm học 2019-2020 theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố và các trường thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục ở địa phương và các giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c)   Tổ chức phổ biến nội dung và chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện Quyết định số 2091/QĐ-UBND ngày 30/7/2019 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc ban hành kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, tỉnh Sóc Trăng đến các huyện, thị xã, thành phố, các trường trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019 - 2020 theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm: Rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

-    Đối với giáo dục mầm non: Triển khai thực hiện Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025; tăng cường công tác huy động trẻ đến trường, nhất là trẻ nhà trẻ; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non, quan tâm hỗ trợ các nhóm trẻ độc lập, tư thục; hướng dẫn và phối hợp với cha mẹ trẻ chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nhà trường và tại gia đình; giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

-   Đối với giáo dục phổ thông:

+ Tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1;

+ Tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và phương thức thi, kiểm tra, đánh giá, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục thực chất, không chạy theo thành tích thi đua; xóa bỏ triệt đế trình trạng bệnh thành tích trong giáo dục.

+ Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác quản lý giáo dục dân tộc; tập trung nâng cao chất lượng và rà soát thực trạng phát triển của hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú.

+ Tăng cường và chú trọng việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày và dạy tiếng Anh cấp Tiểu học đối với những nơi có điều kiện; phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên phổ thông;

+ Quản lý chặt chẽ về dạy thêm, học thêm đối với tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng theo nội dung Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 09/5/2014 của UBND tỉnh Sóc Trăng;

+ Thực hiện tốt chủ trương giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Khuyến khích học sinh chuyển sang học theo hệ giáo dục nghề nghiệp hoặc học theo hệ giáo dục thường xuyên nếu chưa đủ điều kiện về học lực cũng như hoàn cảnh gia đình.

 - Đối với giáo dục thường xuyên: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, hệ thống các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020, Đề án xóa mù chữ đến năm 2020 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 d) Chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới; sớm hoàn thành việc sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu. Trong đó, chú trọng giải quyết kịp thời tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; sửa chữa, cải tạo các nhà vệ sinh hiện có để đảm bảo sạch sẽ;bảo quản tốt cơ sở vật chất của nhà trường, tăng cường thực hành, sử dụng hiệu quả trang thiết bị, đồ dùng dạy học đã được đầu tư.

đ) Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 07/5/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; thực hiện đúng quy chế làm việc và văn hóa công sở.

e) Tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng tốt đẹp, gắn với tăng cường giáo dục đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; kết họp với thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc giáo dục, rèn luyện học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương. Trong đó, chú trọng tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường gia đình hội trong giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh; phòng, chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội (đặc biệt là tệ nạn ma túy, đua xe) cả trong và ngoài nhà trường.

Bảo đảm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục thể chất, y tế trường học; phát động phong trào học bơi và phòng, chống đuối nước cho học sinh; tăng cường tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa cho học sinh, sinh viên; bảo đảm các điều kiện vệ sinh và an toàn thực phẩm trong trường học.

g)    Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học sư phạm ứng dụng của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên của các cơ sở đào tạo bồi dưỡng và các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

h)  Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục, kể cả công lập và ngoài công lập. Rà soát, kiểm tra, tổ chức tập huấn về công tác quản lý cho Hiệu trưởng, chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên kế toán của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong trường hợp cần thiết.

i)    Triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch xã hội hóa giáo dục các cấp, đặc biệt là giáo dục mầm non, đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục phố thông.

k) Đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia của các cấp học theo đúng quy định.

l) Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận của xã hội đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, đặc biệt là việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chủ động xử lý các vấn đề truyền thông về giáo dục; tăng cường truyền thông nội bộ; tổ chức truyền thông gương người tốt, việc tốt trong quá trinh thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo.

2.   Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh:

Tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chú trọng quản lý chất lượng đầu ra; đa dạng hóa các ngành, nghề đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu của người học, đồng thời phù hợp yêu cầu sử dụng lao động trong tình hình mới.

3.   Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:

-   Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn hỗ trợ ngành giáo dục và đào tạo thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, đặc biệt trong công tác huy động học sinh ra lớp.

-    Chỉ đạo, quán triệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tuyển dụng, sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm; đánh giá, phân loại công chức, viên chức bảo đảm thiết thực, khách quan, công bằng.

-    Tổ chức thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục tại địa phương theo theo tinh thần Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, dạy nghề, văn hóa, thể thao, môi trường, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP và các văn bản triển khai của UBND tỉnh.

-    Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 và tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đối với các trường trong phạm vi quản lý trên địa bàn.

-    Tiếp tục chỉ đạo sắp xếp mạng lưới trường, lớp mầm non, tiểu học, điều chuyển, bố trí giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy và học cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực, cơ sở vật chất hiện có.

   Nội dung Chỉ thị trong file đính kèm./.


Thanh Bình










CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 1590232
Cơ quan chủ quản: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng
                                Địa chỉ: Số 48 Lê Duẩn, phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
              Điện thoại: 02993.616042. Fax: 02993.824074. Email: Vanphong.sosoctrang@moet.edu.vn
             Số điện thoại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính: 02993.616042
             Ghi rõ nguồn "Sở Giáo dục và Đào tạo" khi phát hành lại thông tin từ Website này.